fbpx

Sổ tay du học Pháp – Phần C: Thủ tục khi tới Pháp

ĐĂNG KÝ NHẬP HỌC

Để chính thức trở thành sinh viên của trường mình theo học, bạn phải đi đăng kí nhập học. Các bạn nên lưu ý xem thông tin về thời gian nhập học khi tìm hiểu đăng ký xin học vào trường đó. Khi đăng kí nhập học, ngoài các giấy tờ yêu cầu, bạn sẽ phải đóng học phí (frais d’inscription et/ou frais de scolarité) và các phí không bắt buộc khác như phí sử dụng phòng tập và tham gia các hoạt động thể thao, phí truy cập cơ sở dữ liệu của trường…

Nộp phí học đường CVEC

Phí CVEC sẽ được sử dụng để đầu tư cho các hoạt động mà sinh viên sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Các hoạt động đó sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau : chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ luyện tập thể thao, các hoạt động tiếp cận với nghệ thuật, với văn hoá, cải thiện việc đón tiếp sinh viên.

Tất cả các sinh viên bắt đầu theo học tại một cơ sở giáo dục bậc Đại học chính quy tại Pháp công lập hoặc tư nhân, dù quốc tịch Pháp hay quốc tịch nước ngoài, đều phải đóng phí CVEC (Số tiền phải trả cho phí CVEC là 92€ đối với năm học 2022 – 2023). Phí CVEC mỗi năm sẽ được định giá lại trong những năm học sau. Sinh viên bắt buộc phải có chứng nhận đã thanh toán phí CVEC hoặc chứng nhận miễn phí CVEC trước khi làm thủ tục hành chính nhập học tại trường. Phí CVEC có thể trả trực tuyến hoặc trực tiếp bằng tiền mặt.

Thanh toán phí CVEC

Dù là sinh viên thuộc trường hợp được miễn đóng phí CVEC, bạn vẫn phải đăng kí tài khoản trên trang messervices.etudiant.gouv.fr và kết nối với trang web cvec.etudiant.gouv.fr. Ở đó, bạn sẽ cần tải phiếu chứng nhận miễn phí CVEC và giữ nó thật cẩn thận để xuất trình khi nhập học. Các bạn cũng nên mua bảo hiểm y tế bổ sung (mutuelle). Chỉ trả thêm một khoản chi phí nhỏ nhưng bạn sẽ được lợi rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mình (tham khảo phần Khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế để biết thêm chi tiết). Vào thời điểm nhập học, các quỹ bảo hiểm sinh viên sẽ có mặt tại các trường đại học để cung cấp thông tin cho bạn.

Phí ghi danh (trường công)

Chính phủ Pháp đã thông báo kể từ năm 2019, phí ghi danh bậc Cử nhân và Thạc sĩ trong các ĐH công lập ở Pháp dành cho sinh viên ngoài khối EU sẽ tăng. Đến năm học 2022-2023, có một số trường đại học vẫn không tăng học phí, tức là sinh viên vẫn chỉ nộp phí ghi danh vào trường theo mức cũ (170€/năm cử nhân và 243€/năm học cao học). Bạn hãy xem thông tin này trực tiếp tên website của từng trường mà bạn muốn theo học hoặc phiếu thông tin trường trong hồ sơ Etudes en France của bạn.

Phí ghi danh trường công

MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG

Mở một tài khoản ngân hàng tại Pháp là một trong những yếu tố cần thiết nhất của tất cả các bạn du học sinh. Tài khoản ngân hàng của bạn sẽ được dùng để nhận tiền gia đình gửi từ Việt Nam, nhận học bổng, nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, nhận tiền bồi thường bảo hiểm…

Đặc biệt là đăng ký sử dụng thuê bao điện thoại trả trước (giá hợp lý hơn so với thuê bao trả sau), chi phí nhập học và mua sắm nói chung.

Ở Pháp phổ biến cả 2 loại ngân hàng:

    • Ngân hàng truyền thống (phần lớn các du học sinh sử dụng): LCL, BNP Paribas, Société Générale,…
    • Ngân hàng số : Nickel, Fortuneo, Hello Bank, Orange Bank, Boursorama,…

Những giấy tờ cần thiết để mở tài khoản ngân hàng:

    • Hộ chiếu + Visa
    • Giấy đăng ký ghi danh do trường cấp
    • Chứng minh nơi ở ( OFII + Hợp đồng thuê nhà )
    • Giấy khai sinh ( dịch thuật và công chứng )

Để mở tài khoản tại các ngân hàng truyền thống, các bạn thường phải đặt hẹn (không nhanh chóng như ở Việt Nam) và trình các giấy tờ bản gốc cần thiết theo yêu cầu của từng ngân hàng (thường là hộ chiếu, giấy tờ xác nhận nơi cư trú như hợp đồng nhà, hóa đơn điện nước…).

Việc rút tiền từ cây ATM, chuyển khoản giữa các ngân hàng ở Pháp là miễn phí đối với hầu hết các ngân hàng. Phí duy trì thẻ hàng tháng của các ngân hàng tại Pháp thường là khá cao đối với người đi làm nhưng lại thường miễn phí đối với sinh viên. Trong trường hợp nhân viên ngân hàng đề nghị mức phí cao thì các bạn có thể đàm phán để hạ mức phí xuống bằng 0 euro/tháng với lý do các bạn đang là sinh viên. Sau khi mở tài khoản ngân hàng các bạn có thể yêu cầu 1 quyển séc để viết séc thanh toán trong các trường hợp cần thiết.

Hàng năm các chi hội sinh viên thường có hợp tác với các ngân hàng để giúp du học sinh mở thẻ sinh viên với thủ tục đơn giản hơn, miễn phí hoặc có thêm một số ưu đãi. Để biết thêm chi tiết các bạn có thể liên hệ trực tiếp với các chi hội hội sinh viên tại thành phố nơi bạn sẽ đến học tập.

ĐĂNG KÝ THUÊ BAO DI ĐỘNG

1. Mục đích

Sau khi đến Pháp, để thuận tiện trong việc mở tài khoản ngân hàng hoặc làm thẻ lưu trú (titre de séjour) thì các bạn cần cung cấp số điện thoại di động của bản thân để nhận được thông báo hoặc được liên hệ khi cần thiết.

Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng số điện thoại di động để liên lạc với bạn bè hoặc cơ quan chức năng trong trường hợp khẩn cấp. Do đó việc đăng ký thuê bao di động là một trong những việc cần thiết giúp các bạn ổn định cuộc sống ở Pháp.

2. Phương thức

Hiện nay ở Pháp có 4 nhà mạng lớn cung cấp dịch vụ viễn thông là Orange, SFR, Bouygues Telecom và Free. Ngoài ra còn có những nhà mạng ảo khai thác chung mạng lưới của 3 nhà mạng lịch sử đầu tiên của Pháp như Virgin Mobile, La Poste Mobile, Lycamobile, Lebara mobile.

Đặc điểm chung của các nhà mạng này là bạn có thể đăng ký sim trực tiếp trên website (tất cả các nhà mạng) hoặc đăng ký tại các điểm giao dịch (các nhà mạng lớn : SFR, Orange, Bouygues Telecom, Free). Trong trường hợp đăng ký qua website, sim điện thoại sẽ được gửi về tận nhà theo địa chỉ cung cấp.

Đối với giá sim Các mạng di động ảo (Lycamobile, Lebara mobile, …) cung cấp sim miễn phí. Bốn nhà mạng lớn, SFR, Orange, Bouygues Telecom, Free, đồng thu phí Sim là 10 euros cho cả thuê bao trả trước và trả sau.

2.1. Thuê bao trả trước (Carte prépayée)

Gói trả trước thường được dành cho các bạn sử dụng trong thời gian đầu mới đến Pháp và khách du lịch.

Để đăng ký gói trả trước bạn cần xuất trình hộ chiếu.

Địa điểm mua sim trả trước tại sân bay: FNAC, Les Boutiques Relay, Kiosque 4G d’Orange,…

Với các gói trả trước, bạn có thể thanh toán bằng đa dạng các hình thức: mua thẻ nạp trong siêu thị, tabac (có thể thanh toán bằng tiền mặt) hoặc nạp tiền trực tiếp qua website của nhà mạng bằng thẻ ngân hàng.

Thanh toán tùy theo mức tiêu thụ hàng ngày, điều này phù hợp cho những người sử dụng ngắn ngày hoặc không có quá nhiều nhu cầu sử dụng viễn thông.

Tuy nhiên Thuê bao trả trước ở Pháp rất đắt, đặc biệt là thuê bao trả trước của các nhà mạng lớn (SFR, Orange, Bouygues Telecom), thời hạn sử dụng số tiền nạp thêm ngắn. Nếu muốn dùng thuê bao trả trước, nên xem xét dịch vụ của các mạng ảo (Lycamobile, Lebara mobile, …). Các gói trả trước hầu như không có khuyến mãi.

2.2. Thuê bao trả sau (Forfait)

Gói trả sau (Forfait) được sử dụng phố biến với những người cư trú tại Pháp trong thời gian dài.

Để đăng ký gói trả sau của các nhà mạng bạn cần:

    • Hộ chiếu (Passport).
    • Hợp đồng nhà, hóa đơn điện/ nước/ gas/ hoặc quittance de loyer trong 3 tháng gần nhất. Nếu ở Crous thì bạn lấy giấy chứng nhận nhà ở.
    • Số tài khoản ngân hàng (RIB).

Mức cước phí dịch vụ rẻ hơn so với cước phí của thuê bao trả trước, thời gian sử dụng cố định hơn.

Các nhà mạng thường giảm phí thuê bao cho năm đầu tiên nhưng có thể đi kèm điều kiện cam kết không chuyển mạng trong một khoảng thời gian sau khuyến mãi.

Có hình thức thuê bao trả sau không có ràng buộc về thời hạn tối thiểu sử dụng.

Với thuê bao trả sau, thông thường các nhà mạng chỉ chấp nhận thanh toán qua trích nợ tự động vào tài khoản ngân hàng vào đầu mỗi kỳ thanh toán (1 tháng) và không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc. Riêng Free mobile có thể thanh toán cước phí tại quầy giao dịch hoặc thông qua tài khoản người dùng trên trang điện tử của nhà mạng.

Phí phát sinh ngoài gói cước đăng ký (ví dụ vượt dung lượng Internet cho phép, gọi quốc tế ngoài liên minh Châu Âu) khá cao.

2.3. Lưu ý chung

Đọc kỹ “Conditions générales de vente” trước khi đăng ký.

Tham khảo “Brochure tarifaire des offres” hoặc website của các nhà mạng khi đăng ký. Lưu ý ở Pháp không phân biệt cước phí nội mạng, ngoại mạng như ở Việt Nam.

Các nhà mạng cho phép chuyển mạng giữ số miễn phí. Người dùng chỉ cần cung cấp mã số RIO, nhà mạng chuyển tới sẽ làm các thủ tục để lấy số từ nhà mạng chuyển đi. Khi mới đến Pháp, bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đã có thẻ ngân hàng đăng ký giúp sim và gói cước trả sau. Sau khi có thẻ ngân hàng chỉ cần đổi lại thông tin thanh toán trên website hoặc app của nhà mạng.

THỦ TỤC LƯU TRÚ

1. Năm đầu tiên ở Pháp: Xác nhận visa sinh viên

Khi đến Pháp, bạn cần phải xác nhận Visa sinh viên VLS-TS mà bạn đã được cấp để sang Pháp du học. Thủ tục này được thực hiện trực tuyến từ ngày 18/02/2019. Bạn có ba tháng để thực hiện thủ tục này.

Bạn cần biết : trong vòng 3 tháng sau khi đến Pháp, bạn có thể tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và rời khu vực Schengen mà không cần xác nhận VLS-TS. Sau thời gian đó, nếu bạn vẫn chưa làm thủ tục này, bạn phải xin một visa mới để quay trở lại Pháp.

Việc này quan trọng vì nó cho phép bạn:

    • Ở trong lãnh thổ Pháp một cách hợp pháp trong suốt thời gian hiệu lực của VLS-TS
    • Tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và rời và quay lại khu vực Schengen.

Để làm thủ tục này, bạn cần có :

    • Visa của bạn
    • Một địa chỉ thư điện tử (email) đang hoạt động
    • Địa chỉ chỗ ở tại Pháp
    • Thẻ ngân hàng để thanh toán trực tuyến tiền thuế cấp thẻ lưu trú. Nếu bạn không có thẻ ngân hàng, đừng lo lắng, bạn có thể mua tem điện tử tại một quầy Tabac bằng tiền mặt.

Những bước xác nhận VLS-TS:

➔ Kết nối vào https://administration-etrangers-en-france.interieur.gouv.fr/particuliers/

➔ Điền thông tin visa của bạn và các thông tin cá nhân khác

➔ Cung cấp ngày đến và địa chỉ tại Pháp

➔ Thanh toán tiền thuế cấp thẻ lưu trú là 60 euros theo hai cách:

    • Mua tem điện tử trực tuyến
    • Điền số hiệu tem điện tử đã mua ở quầy tabac

➔ Tải giấy Xác nhận VLS-TS.

VLS-TS của bạn đã được xác nhận, bạn sẽ nhận được hai emails : email cung cấp các thông tin để truy cập vào hồ sơ cá nhân của mình, xác nhận visa của bạn có trong hồ sơ cá nhân đó ; email thứ hai xác nhận những thông tin bạn đã cung cấp, email này xác nhận bạn có thể tải giấy xác nhận VLS-TS. Bạn nên in ra một bản để phòng khi cần dùng đến.

Mời các bạn tham khảo thông tin về thủ tục đăng ký cư trú cho sinh viên nước ngoài tại Pháp trên dịch vụ công của Pháp.

2. Các năm tiếp theo: xin thẻ cư trú (titre de séjour)

Thẻ lưu trú cần được gia hạn 3 tháng trước khi giấy phép lưu trú của bạn hết hạn. Nếu vượt quá thời gian này, bạn có thể phải nộp phạt lên tới 180e.

Yêu cầu gia hạn giấy phép cư trú được thực hiện trực tuyến trên nền tảng quốc gia ANEF-séjour.

Các tài liệu cần nộp để gia hạn:

a. Các giấy tờ cá nhân:

    • Passeport còn có giá trị ít nhất là 1 năm và bản photo các trang có các thông tin cá nhân và visa
    • 4 ảnh mới chụp cỡ 3,5×4,5cm, phông nền màu trắng/ghi sáng (chụp tại Pháp khoảng 5€)
    • Nếu bạn xin titre lần đầu tiên thì cần nộp giấy khai sinh đã dịch ra tiếng Pháp

b. Giấy tờ liên quan đến nhà ở (được làm không quá 3 tháng đến ngày nộp hồ sơ):

    • Nếu bạn ở CROUS: Giấy chứng nhận của CROUS
    • Nếu có người cho bạn cùng: Giấy chứng nhận của người đó về việc cho bạn ở + Photo 2 mặt thẻ cư trú (nếu không phải là người Pháp) hoặc thẻ căn cước (nếu là người Pháp).
    • Nếu bạn thuê nhà: hóa đơn tiền nhà + Hợp đồng thuê nhà (hoặc thuế nhà ở, hoặc hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại cố định)

c. Giấy tờ liên quan đến việc học tập:

Trong tất cả mọi trường hợp bạn cần:

    • Giấy chứng nhận nhập học Certificat de scolarité hoặc thẻ sinh viên có ghi ngành bạn theo học.
    • Bằng hoặc bảng điểm năm học trước

Tuỳ vào trường hợp cụ thể bạn nộp thêm giấy tờ sau:

    • Nếu bạn chuẩn bị theo học một trình độ thấp hơn trình độ mà bạn đã đạt được thì cần viết thư giải thích.
    • Nếu bạn là nghiên cứu sinh: kể từ năm thứ ba trở đi cần thư của người hướng dẫn ghi rõ tên đề tài, tiến triển công việc và ngày bảo vệ dự kiến.

d. Giấy tờ liên quan đến tài chính:

    • Nếu bạn có học bổng: Giấy chứng nhận học bổng
    • Nếu bạn đã đi làm: bảng lương 3 tháng gần nhất
    • Nếu bạn học tự túc phải có 1 khoản tiền nhất định cho việc chi tiêu hàng tháng (khoảng 615€ x 10 tháng): Giấy chứng nhận của ngân hàng về số tiền bạn có + 6 sao kê gần đây nhất hoặc các khoản tiền từ nước ngoài được chuyển vào tài khoản của bàn trong 6 tháng gần đây

Số tiền này thay đổi hàng năm và theo quy định của quy định của Bộ Nội vụ tham khảo tại đây.

Nếu có đơn vị hoặc ai cho bạn tiền học: Giấy chứng nhận việc sẵn sàng chi trả cho bạn + photo giấy chứng minh thư của họ + giấy chứng nhận thu nhập của họ bao gồm giấy nộp thuế (avis d’imposition) + 3 bảng lương gần nhất hoặc sao kê ngân hàng 3 tháng gần nhất (relevés bancaires).

Lưu ý: trong trường hợp về Việt Nam khi chỉ có Giấy xác nhận gia hạn thẻ lưu trú lần đầu – “Récipissé de la Première Demande”, các bạn sẽ không được nhập cảnh trở lại vào Pháp. Trong vòng 3 tháng từ ngày nhận Récépissé, bạn sẽ nhận được tin nhắn SMS báo ngày nhận Titre tại Préfecture và loại tem fiscal cần phải mang đến để nhận Titre. Tem này có thể mua tại các sạp báo, quầy thuốc lá, hoặc qua mạng.

LƯU Ý ĐỐI VỚI SINH VIÊN DƯỚI 18 TUỔI – MINEUR SCOLARISÉ

1. Visa diện Mineur Scolarisé là gì ?

Những sinh viên muốn sang Pháp du học chưa đủ 18 tuổi tính đến ngày nhập cảnh Pháp phải làm thủ tục xin Visa diện “Mineur Scolarisé”.

Tham khảo thêm thông tin tại đây.

2. Một số lưu ý khi làm hồ sơ xin Visa Mineur Scolarisé

Đối với các bạn sinh viên dưới 18 tuổi tính đến ngày nhập cảnh vào Pháp, bố mẹ đang không sinh sống trong vùng lãnh thổ của Pháp, mong muốn đến Pháp để học đại học, hoặc tham gia vào các khóa học tiếng tại Pháp, cần có người chấp nhận giám hộ tại Pháp và quyết định những việc liên quan đến bạn thay cho bố mẹ. Hồ sơ xin Visa cho các bạn bao gồm (bạn nên liên hệ cơ quan xin thị thực TLS để có những cập nhật
chính xác nhất):

    • Passeport, tờ khai xin thị thực, ảnh thẻ
    • Giấy khai sinh hoặc bản sao sổ hộ khẩu
    • Giấy báo trúng tuyển của trường đại học ở Pháp (tải từ hồ sơ Etudes en France)
    • Chứng nhận nhà ở
    • Chứng chỉ tiếng Pháp hợp lệ
    • Giấy ủy quyền của bố mẹ (Autorisation parentale)
    • Giấy đồng ý bảo lãnh của người giám hộ hợp lệ tại Pháp cùng giấy tờ tùy thân và giấy tờ nhà
    • Giấy tờ bảo lãnh tài chính

3. Thủ tục, giấy tờ khi đến Pháp

3.1. Thẻ ngân hàng

Việc làm thẻ ngân hàng cho sinh viên dưới 18 tuổi rất khó khăn, gần như là không được, vì phải có sự có mặt của bố mẹ để ký hợp đồng (giấy bảo lãnh của garant và giấy ủy quyền của bố mẹ mà các bạn dùng khi đi xin Visa không có giá trị cho việc mở thẻ ngân hàng). Vậy nên tốt hơn hết là bạn phải làm thẻ ngân hàng NGAY SAU sinh nhật 18 tuổi và làm thẻ ngân hàng như một sinh viên đủ tuổi. Đây là việc đầu tiên bạn nên làm một khi đủ tuổi để có đủ điều kiện khai tài khoản Ameli và từ đó nhận số bảo hiểm xã hội chính thức cũng như làm thẻ cư trú sau đó.

Lời khuyên : Hãy mang theo bạn một Thẻ thanh toán quốc tế được bố/ mẹ bạn mở tại một ngân hàng ở Việt Nam theo tài khoản của bố/mẹ bạn theo hình thức thẻ mẹ – con. Một số nơi không chấp nhận thẻ này thì bạn cần phải nhờ tới bạn bè/ người bảo lãnh hay dùng tiền mặt.

3.2. Thẻ lưu trú – Titre de séjour

Với Visa Mineur Scolarisé, các bạn sau khi đặt chân đến Pháp sẽ không phải làm thủ tục xác nhận Visa, mà thay vào đó sẽ phải liên hệ với Préfecture tại nơi bạn sống để làm thủ tục xin Titre de Séjour Étudiant trong vòng 3 tháng kể từ ngày đủ 18 tuổi. Với một vài Préfecture (tùy tỉnh thành bạn sinh sống), bạn sẽ làm thủ tục này trong vòng 3 tháng trước khi hết hạn Visa Mineur.

Để biết thêm những thông tin cần thiết như mẫu khai xin Titre de Séjour, các giấy tờ đi kèm, số tiền cần có để chứng minh tài chính,… xin hãy liên hệ với Préfecture nơi bạn sống; vì mỗi vùng/thành phố sẽ có quy định khác nhau. Tại các thành phố lớn, bạn có thể đến Welcome Desk để tham vấn Accueil về thủ tục làm titre và được hướng dẫn đặt hẹn online.

3.3. Thuê nhà

Khi là mineur các bạn nên thuê ở các cá nhân có thể chấp nhận cho bạn trả tiền mặt và không cần người bảo lãnh.

Phần lớn các công ty cho thuê nhà yêu cầu bạn có một người bảo lãnh, đây là người phải có công việc, thu nhập ổn định thường có mức lương tối thiểu gấp 3 lần số tiền thuê nhà, sống tại Pháp để đảm bảo việc họ có thể thu đầy đủ tiền nhà hàng tháng của bạn.. Khi đó người bảo lãnh cần đứng ra ký hợp đồng nhà cho bạn và nộp kèm theo giấy tờ tùy thân, hóa đơn điện nước và chứng minh thu nhập của ba tháng gần nhất.

Trong một số trường hợp bạn sẽ cần có tài khoản ngân hàng khi thuê để họ rút tiền nhà hàng tháng hoặc để bạn ký séc hàng tháng gửi cho chủ nhà. Do vậy, khi thuê nhà, bạn cần có 1 người khác có tài khoản ngân hàng đứng ra thay mặt bạn trả tiền nhà cho chủ nhà, có thể là người bảo lãnh, bạn bè, anh chị người quen. Sau khi bạn đủ 18 tuổi và có thẻ ngân hàng, bạn chỉ cần thông báo cho chủ nhà/công ty chủ về việc đổi tài khoản để rút tiền, thủ tục này khá đơn giản, bạn chỉ cần gửi RIB đến cho họ, có thể phải điền 1 đơn cho phép rút tiền là xong.

3.4. CAF

Tất cả mọi người khi thuê nhà có hợp đồng đều có quyền xin CAF để hỗ trợ một phần số tiền nhà ở, các bạn mineur mới đến Pháp cũng không ngoại lệ. Hạn chế của các bạn khi khai hồ sơ xin CAF, đó là các bạn sẽ không có số bảo hiểm xã hội “numéro de sécurité sociale” (tuy nhiên các bạn có thể dùng số tạm thời được cho bởi CAF) và đặc biệt là chưa mở được tài khoản ngân hàng để điền thông tin. Trong trường hợp này các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khai hồ sơ online – trên website của CAF. Nhưng đừng lo lắng, hãy đến Welcome Desk vùng các bạn sinh sống, hoặc đặt hẹn đến trực tiếp chi nhánh của CAF gần nơi bạn ở để được hướng dẫn khai bằng hồ sơ giấy. Thủ tục cũng đơn giản và giống như khi khai online, chỉ khác vì các bạn mineur lúc mới sang sẽ chưa mở được tài khoản ngân hàng, nên số tiền trợ cấp hàng tháng của CAF sẽ gửi thẳng về tài khoản của chủ nhà (nhân viên CAF sẽ hướng dẫn bạn khai hồ sơ).

Tìm hiểu thêm về CAF tại đây.

Lưu ý: Trong thời gian sinh sống dưới dạng Visa Mineur, các bạn không được đi làm thêm.

LIÊN HỆ ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI PHÁP

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp là cơ quan đại diện chính thức của nhà nước CHXHCN Việt Nam trong quan hệ với Cộng hòa Pháp, có chức năng hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, trong đó có cộng đồng du học sinh chúng ta.

Nếu chẳng may bị mất hộ chiếu khi đang ở Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp là cơ quan duy nhất cấp lại hộ chiếu cho bạn. Để được cấp lại hộ chiếu, bạn thực hiện theo trình tự sau:

1. Trình báo khẩn cấp với cơ quan cảnh sát sở tại, lấy giấy xác nhận của cảnh sát việc mất hộ chiếu;

2. Tải và điền đầy đủ thông tin vào “Đơn trình báo mất hộ chiếu” theo Mẫu (trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), và gửi email về Cục Lãnh sự (theo địa chỉ cls.mfa@mofa.gov.vn) và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, kèm theo 03 ảnh cỡ 4×6 cm;

3. Chuẩn bị nhiều nhất có thể các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao hộ chiếu cũ, bản sao/bản gốc CMND, bản sao giấy khai sinh, bản sao sổ hộ khẩu…);

4. Trực tiếp có mặt tại Cơ quan Đại diện để nộp các giấy tờ trên và làm thủ tục (trong giờ làm việc và không cần đặt hẹn).

Mời bạn tham khảo thêm thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trên website. Dưới đây là thông tin liên hệ của Đại sứ quán:

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp (Ambassade du Vietnam en France) – Bộ phận Quốc tịch – Hộ chiếu

61, Rue de Miromesnil 75008 PARIS (Métro: Miromesnil (Ligne 9))

(+33) 01 44 14 64 00/ 01 44 14 64 44/ 01 44 14 64 26

Hộ chiếu – quốc tịch : ls1@ambassade-vietnam.fr

Hộ tịch : ls2@ambassade-vietnam.fr

Hoặc email chung của ĐSQ: info@ambassade-vietnam.fr

CUỘC SỐNG TẠI PHÁP

1. Nhà ở

1.1. Các loại nhà ở cho sinh viên

Có nhiều loại hình nhà ở khác nhau cho sinh viên ở Pháp, tùy theo khả năng tài chính của mình, bạn có thể chọn thuê một căn hộ hoặc một phòng phù hợp với túi tiền và sở thích. Có 2 hình thức thuê nhà chính:

Các loại nhà ở cho sinh viên

1.2. Những thông tin cần biết lúc thuê nhà tư nhân

Khi tìm thuê nhà, đặc biệt là nhà tư nhân, các bạn hãy lưu ý những từ khóa sau để tìm được nhà ở phù hợp:

Meublé ou non meublé:

    • Meublé: Nhà có sẵn đồ đạc (bàn tủ, ghế, giường …) để bạn chỉ dọn tới và ở
    • Non meublé: Nhà trống (chỉ có những đồ cố định như bếp, nhà vệ sinh, …) và bạn sẽ tự mua tất cả các dụng cụ trong nhà. Thường thì thuê nhà non meublé sẽ rẻ hơn và bạn có thể xin được trợ cấp thuê nhà (CAF) nhiều hơn, nhưng bù lại phải tốn tiền mua nội thất trong nhà. Nhà non meublé thường hợp cho các bạn có ý định thuê lâu dài.

Charge: Chi phí nhà ở thường sẽ được ghi trong giá tiền thuê nhà. Thông thường nếu không ghi cụ thể hoặc ghi CC (charges comprises) thì chỉ bao gồm phí cơ bản (charges locatives) như phí đổ rác, bảo trì khu vực chung và không bao gồm giá điện nước và internet. Bạn cần hỏi rõ chủ nhà về những chi phí đã có sẵn trong tiền nhà. Trường hợp không bao gồm điện nước và internet, bạn sẽ phải kí hợp đồng với một nhà phân phối nhà nước hoặc tư nhân khi đến thuê. Ngoài ra có những từ viết tắt khác:

    • TCC (toutes charges comprises): đã bao gồm phí cơ bản và tiền điện nước
    • HC (hors charges): chưa bao gồm phí cơ bản

Caution / dépôt de garantie: Khi ký hợp đồng nhà, ngoài tiền thuê nhà tháng đầu tiên, bạn phải kí séc hoặc đóng tiền đặt cọc tầm khoảng 1-2 tháng tiền nhà cho chủ nhà. Số tiền này để phòng khi bạn có làm hư hại nhà cửa thì chủ nhà sẽ khấu trừ. Sau khi bạn trả nhà, nếu không có vấn đề gì thì bạn sẽ được hoàn lại số tiền này.

Etat des lieux: Hôm kí hợp đồng nhà thì bạn và chủ nhà sẽ làm Biên bản hiện trạng nhà ”Etat des lieux” để kiểm tra và ghi chép lại tình trạng của các nội thất và thiết bị trong căn nhà. Khi trả nhà, bạn cùng với chủ nhà sẽ làm một biên bản hiện trạng nhà trả “Etat de sortie” và “Etat des lieux” sẽ được đem ra đối chiếu lại tình trạng nhà cùng các vật dụng. Nếu có hư hỏng gì so với bạn đầu thì bạn phải chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc trừ vào đặt cọc. Vì thế các
bạn nên để ý và kiểm tra cẩn thận tình trạng nhà trước lúc thuê.

1.3. Giấy tờ và thủ tục

Các loại giấy tờ cần thiết để làm thủ tục thuê nhà bao gồm:

    • Giấy tờ tùy thân
    • Chứng minh tài chính hoặc giấy tờ bảo lãnh
    • Giấy tờ nhà trước đó
    • Bảo hiểm nhà ở
    • Một vài giấy tờ khác có thể không bắt buộc (thẻ học sinh, bản khai thuế,…)

Chứng minh tài chính

Bạn cần chứng minh là mình đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà và chủ nhà sẽ nghiên cứu hồ sơ của bạn rất kỹ trước khi quyết định cho bạn thuê nhà vì theo luật Pháp thì rất khó để chủ nhà có thể đuổi người thuê nhà ra khỏi nhà.

Nếu bạn là sinh viên thì để thuê được nhà bạn phải có người bảo hộ (garant) có thu nhập ổn định để bảo đảm cho việc trả tiền thuê nhà hằng tháng cho bạn.Với các bạn vị thành niên (mineur) thì bắt buộc phải có người bảo hộ.

Ngoài ra, chính phủ Pháp hỗ trợ bảo lãnh hoàn toàn miễn phí cho những người từ 18-30 tuổi hoặc đã đi làm được trên 30 năm qua dịch vụ Visale (www.visale.fr). Đây là một lựa chọn vô cùng thích hợp cho các bạn sinh viên.

Bảo hiểm nhà ở

Bảo hiểm nhà ở là một loại bảo hiểm bắt buộc khi thuê nhà ở Pháp.Bảo hiểm nhà có thời điểm bắt đầu từ khi hợp đồng thuê nhà bắt đầu, hoặc từ ngày bạn mua nếu chủ nhà đồng ý cho bạn mua sau khi đã bắt đầu hợp đồng.

Để tránh vấn đề khi bồi thường bảo hiểm, thông tin trên hợp đồng bảo hiểm phải chính xác với hợp đồng nhà và các giấy tờ khác.

Khi chuyển nhà, bạn có thể chỉ cần đổi địa chỉ nhà qua hãng bảo hiểm mà không cần làm lại hồ sơ.. Tuỳ vào những thay đổi về diện tích và số phòng mà giá bảo hiểm có thể thay đổi.

Các hãng bảo hiểm nhà thông dụng ở Pháp: Matmut, ADH, AXA, Allianz, Maif, Maaf, Macif,… Một trong những hãng bảo hiểm tối ưu nhất thị trường hiện nay dành cho sinh viên ở Pháp là ADH (www.assurances-etudiants.com).

Lưu ý khi mua bảo hiểm nhà

Các bạn nên chọn cả mục trách nhiệm dân sự – responsabilité civile trong bảo hiểm nhà vì bảo hiểm này rất hay được yêu cầu trong một số thủ tục (đăng ký nhập học…).

Nên mua bảo hiểm mất trộm nếu bạn có nhiều đồ đạc giá trị.

Khuyến mại bảo hiểm ngân hàng: Bảo hiểm nhà rất hay được các các ngân hàng khuyến mại khi mở tài khoản nhưng không nói rõ giá sau thời gian khuyến mãi thì sẽ là bao nhiêu và cũng ko nói rõ là phải báo trước “Préavis” 1 tháng để hủy bảo hiểm, nếu không họ sẽ tự động gia hạn và rút phí của giai đoạn tiếp theo. Một hình thức khuyến mại nữa là: khuyến mại 6 tháng nhưng giá 6 tháng còn lại giá cao hơn nhiều hãng khác cho cả năm. Các bạn nên để ý và tính toán hợp lý trước khi ký hợp đồng.

1.4. Quỹ trợ cấp nhà ở gia đình CAF (Caisse d’Allocations Familiales)

Ở Pháp, sinh viên thuộc mọi quốc tịch đều và với tất cả loại hình thuê nhà đều có thể được hưởng trợ cấp đặc biệt của chính phủ về nhà ở mang tên CAF hoặc APL, chỉ trừ một số trường hợp thuê nhà tư nhân (chủ nhà sẽ ghi rõ trên thông báo cho thuê nhà). Nước Pháp là nước duy nhất ở châu Âu triển khai công cụ hỗ trợ này.

Trợ cấp này được tính trên cơ sở tiền thuê nhà, loại nhà thuê và khả năng tài chính của sinh viên, số tiền trợ cấp sẽ được tính theo từng trường hợp sinh viên. Tiền trợ cấp rơi vào tầm khoảng 30% tiền thuê nhà. Với những bạn có học bổng chính phủ hoặc những bạn sinh viên có đi làm thêm và khai thuế cũng sẽ được hưởng trợ cấp CAF nhiều hơn (tầm 45%).Trong trường hợp thuê nhà ở chung, những người thuê nhà chung đều có thể được nhận trợ cấp nhà ở với điều kiện tên của họ có trên hợp đồng thuê nhà. Như vậy, mỗi người thực hiện một đề nghị trợ cấp riêng. Ngược lại, các cặp vợ chồng chỉ làm một đơn xin trợ cấp. Số tiền này sẽ được gửi về tài khoản của bạn hoặc của chủ nhà vào tháng sau đó (ví dụ tiền tháng 2 sẽ nhận được vào đầu tháng 3.
Để được hưởng trợ cấp nhà ở, bạn phải:

    • Thuê nhà có hợp đồng (đứng tên trên hợp đồng thuê nhà)
    • Mua Bảo hiểm xã hội sinh viên.
    • Có đầy đủ giấy tờ (giấy khai sinh, thẻ cư trú, hộ chiếu với visa hợp lệ, …)
    • Có một tài khoản ngân hàng tại Pháp (nếu tiền trợ cấp sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của bạn).

Kể từ 01/04/2020 số tiền được hỗ trợ từ CAF sẽ được tính dựa trên thu nhập của bạn trong 12 tháng trước đó chứ không phải được tính dựa trên thu nhập của năm n-2 như trước đây. Đơn xin trợ cấp được thực hiện trực tiếp trên trang web của CAF (www.caf.fr) hoặc đến các cơ sở CAF ở các thành phố để được hướng dẫn.

Lưu ý: chuẩn bị những giấy tờ liên quan như hộ chiếu, thẻ cư trú, giấy khai sinh, hợp đồng thuê nhà, IBAN của ngân hàng, chứng nhận học bổng (nếu có), giấy khai thuế (nếu có)… bên cạnh để điền thông tin khi đăng ký.

1.5. Hỗ trợ nhà ở cho sinh viên vừa học vừa làm – Alternance

Ngoài nhận được hỗ trợ của CAF các bạn sinh viên làm alternance có thể được nhận thêm một hỗ trợ khác cho nhà ở đó là L’aide Mobili-Jeune. Số tiền hỗ trợ này sẽ nằm trong khoảng từ 10€ tới 100€ mỗi tháng trong vòng 1 năm tùy vào tiền thuê nhà tiền lương và tiền CAF hằng tháng của bạn.

Bạn cần phải nộp hồ sơ trong quý đầu tiên của năm học alternance để nhận được xét duyệt hỗ trợ cho nhà ở này. Bạn có thể kết nối vào trang web này để gửi yêu cầu online : www.actionlogement.fr/l-aide-mobili-jeune

1.6. Nạn lừa đảo trên một số trang web, fanpage

Trên các trang web và fanpage luôn có khả năng tồn tại nạn lừa đảo, đăng thông tin giả. Các bạn cần đọc nội dung thông báo kỹ càng, tìm hiểu về người liên lạc hoặc công ty môi giới, kiểm tra thông tin trước khi ký hợp đồng.Tuyệt đối không chuyển tiền trước lúc ký hợp đồng nhà (đặc biệt khi chủ nhà bắt chuyển tiền cọc giữ nhà trước khi ký hợp đồng), và tuyệt đối không nên đi xem nhà một mình, nên rủ bạn bè hoặc người thân đi cùng. Nếu thấy có thông tin gì đó khả nghi thì nên tìm hiểu trước hoặc bỏ qua rồi tìm nhà khác. Trên các trang tìm nhà lớn như leboncoin, bạn cũng nên cẩn thận vì đây trang rao vặt tự do. Nên xem kỹ tính chân thực của những hình ảnh họ đăng tải.

2. Đi lại

Mỗi thành phố đều có một hệ thống phương tiện giao thông công cộng với tên gọi khác nhau, các bạn có thể tìm hiểu thêm trong sổ tay của chi hội nơi bạn cư trú. Để di chuyển trong toàn lãnh thổ nước Pháp, có rất nhiều các loại phương tiện và phổ biến nhất bao gồm:

Tàu: Dịch vụ đường sắt Pháp (SNCF). Đối với các bạn dưới 27 tuổi, SNCF có nhiều gói ưu đãi khác nhau như Carte Jeune (giảm 30% cho các loại vé tàu) với giá 49€/năm (25€/năm vào những đợt khuyến mại), gói Max Jeune (ghế ngồi được hoàn 100% phí) với giá 79€/tháng hay không thể không kể đến các đợt khuyến mãi vé cho các chuyến tàu phân vùng hay Transport Express Régional (TER) với giá trong khoảng 10-30€/năm. Chi tiết có thể xem thêm tại: https://www.sncf.com/fr.

Bus: Có các công ty vận chuyển có thể kể đến như Flixbus, Ouibus,… chuyên phục vụ xe cho các chặng đường dài với giá thường rẻ hơn đi tàu nhưng mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, hình thức này hoàn toàn có thể hỗ trợ những bạn có nhu cầu đi ra ngoài biên giới Pháp.

Lưu ý: Cần mang theo giấy tờ tùy thân (hộ chiếu/thẻ cư trú) khi ra khỏi nước Pháp. Để mua vé, các bạn có thể tải ứng dụng hoặc truy cập trực tiếp vào trang web để tìm vé và thanh toán.

Blablacar: Hình thức cho người lạ đi cùng xe hay covoiturage để chia sẻ chuyến đi. Dựa vào thời gian khởi hành và điểm đến, trang web https://www.blablacar.fr/ sẽ cung cấp cho bạn nhiều kết quả khác nhau để tìm xe phù hợp với giá được định mức tùy vào tài xế.

Máy bay: Cũng như cũng hang bus, tàu, trước thời điểm du lịch các hãng hàng không sẽ có những đợt khuyến mãi với mức giá phù hợp với các bạn sinh viên. Skyscanner (https://www.skyscanner.fr/) là trang web tìm kiếm vé máy bay được sử dụng nhiều tại Pháp.

Ngoài ra, ComparaBus (https://www.comparabus.com/fr) một công cụ có chức năng tìm kiếm và so sánh giá – thời gian – địa điểm của những phương tiện trên một cách vô cùng tiện ích.

3. Khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, mutuelle

Một điều vô cùng quan trọng mà các bạn sinh viên cần lưu ý đó là sức khỏe của bản thân. Ở Pháp, mỗi khi có vấn đề về sức khỏe, các bạn sẽ phải trải qua cả một quy trình mà nếu ai chưa biết thì rất là lúng túng. Quy trình đó là: Bảo hiểm – bác sĩ riêng (bác sĩ gia đình) – bệnh viện. Để tìm câu trả lời cho quy trình này, chúng ta cần trả lời các câu hỏi sau:

3.1. Tại sao cần mua bảo hiểm?

Ở Pháp, tiền viện phí, dược phẩm rất đắt đỏ. Vì vậy, hiện nay tất cả các sinh viên đều phải mua bảo hiểm khi muốn học tập và sinh sống tại Pháp. Việc này là cần thiết vì dịch vụ này bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho các bạn trong vấn đề khám chữa bệnh, ví dụ như được hỗ trợ chi trả lên tới 65% đối với một số loại bệnh trừ bệnh về mắt và răng.

3.2. Khi nào và lúc nào được mua bảo hiểm?

Khi được nhận vào học tại một trong những cấp học của hệ thống giáo dục của Pháp và khi đặt chân đến Pháp, ngoài việc bạn phải đi làm các thủ tục hành chính khác thì bạn cần lên google, gõ từ khóa doctolib, trên đó họ sẽ cho phép bạn chọn bác sĩ riêng cho bản thân. Bạn nên chọn các bác sĩ được đánh giá cao từ người đi trước, gần nơi bạn ở và là bác sĩ đa khoa cấp 1 ( vì họ mới nhận thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế (carte verte hay carte vitale) của các bạn. Sau khi chọn xong, bạn đặt hẹn với họ và đến đó xin giấy đăng ký là bác sĩ riêng hay médecin traitant của bản thân. Giấy này là tài liệu cần thiết để nộp cho cơ quan bảo hiểm. Có hai trường hợp đặc biệt không hưởng chế độ bảo hiểm cho sinh viên:

    • Sinh viên đã quá 24 tuổi: Nên liên lạc với quỹ bảo hiểm y tế cơ sở (CPAM) gần nơi cư trú, để hiểu rõ hơn, truy cập vào trang web: https://www.ameli.fr.
    • Sinh viên trao đổi trong châu Âu: Được miễn phí mua bảo hiểm xã hội LMDE.

3.3. Tôi có thể mua các loại bảo hiểm nào?

a. Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) – Sécurité Sociale

Bạn sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội của Pháp với VLS-TS (Thị thực dài hạn cho sinh viên có giá trị như thẻ cư trú). Các bước đăng ký:

    • Xác nhận visa VLS-TS.
    • Trả phí CVEC.
    • Ghi danh vào trường đại học của bạn (làm thủ tục hành chính).
    • Ngay sau đó, bạn phải đăng ký vào chế độ chung của bảo hiểm xã hội Pháp.
    • Đăng ký miễn phí trực tuyến trên trang web của bảo hiểm y tế cho sinh viên quốc tế: https://etudiant-etranger.ameli.fr/#/.

Sau khi hoàn tất việc đăng ký, bạn có thể yêu cầu xin thẻ bảo hiểm (carte vitale). Bạn sẽ xuất trình thẻ này để khỏi trả trước chi phí khi đi khám bác sĩ hay đi mua thuốc.

b. Bảo Hiểm Y Tế Bổ Sung – Mutuelle

Do BHXH không hoàn trả toàn bộ chi phí chăm sóc sức khỏe (tối đa 65% so với các bệnh thông thường trừ bệnh về mắt và răng) vì vậy sinh viên nên mua thêm bảo hiểm y tế bổ sung (mutuelle) để giảm thiểu chi phí y tế. Có 3 loại hình bảo hiểm y tế bổ sung :

    • Khám chữa thông thường (Soins courants).
    • Chăm sóc toàn bộ (Tous soins).
    • Chăm sóc trọn gói (Forfaits).

Khoản tiền bảo hiểm bạn được thanh toán tương ứng với loại hình hay công ty bảo hiểm bổ sung mà bạn đã ký hợp đồng với họ. Với gói dành cho người lớn và sinh viên dao động theo từng công ty bảo hiểm nhưng không đáng kể.

c. Bảo Hiểm Y Tế Bổ Sung – CMU (Couverture Maladie Universelle) Complémentaire

Đây là một loại bảo hiểm bổ sung dành cho những người có thu nhập thấp hơn một mức quy định của chính phủ Pháp. Các bạn có thể liên hệ với CPAM để đặt hẹn và khai hồ sơ. Thời gian xử lý hồ sơ thường trong vòng 2 tháng làm việc.

Điều kiện để được nộp sơ xin loại bảo hiểm này :

    • Cư trú tại Pháp ít nhất 1 năm.
    • Dựa theo điều kiện thu nhập của bạn.

3.4. Thẻ bảo hiểm (carte vitale) có đặc điểm như thế nào?

Carte Vitale chứa đựng tất cả những thông tin liên quan đến bạn và phải được cập nhật mỗi năm 1 lần. Việc cập nhật được thực hiện dễ dàng tại các hiệu thuốc, CPAM hoặc ở các trung tâm bảo hiểm y tế khác như MGEN. Thẻ này có giá trị trên toàn nước Pháp.

Đối với trường hợp đã có bảo hiểm nhưng chưa nhận được thẻ, sau khi khám bệnh bạn sẽ phải điền vào một tờ khai tại nơi khám và gửi đến trung tâm y tế để nhận hoàn tiền thông qua chuyển khoản ngân hàng.

Trong trường hợp đã có thẻ bảo hiểm, bạn sẽ chỉ phải trả 35% phần còn lại của phí khám bệnh (nếu không có mutuelle) hoặc không phải thanh toán (nếu có mutuelle).

4. Quản lý chi tiêu

Quản lý tài chính là một điều khá mới mẻ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống du học của những sinh viên như bạn. Chính vì thế, hiểu rõ và kiểm soát các khoản chi tiêu hằng ngày là rất quan trọng. Trong cuộc sống thường nhật tại Pháp chúng ta có hai khoản chi phí chính đó là:

Chi phí cố định: thường bao gồm các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, internet, cước phí di động, thẻ đi lại, bảo hiểm bổ sung và các thuê bao khác như Netflix, Spotify, Apple music, thẻ gym…(nếu có)

Chi phí biến đổi: chi phí thực phẩm, vui chơi giải trí, shopping quần áo, mỹ phẩm và cả chi phí rủi ro (sửa chữa các thiết bị khi hỏng hóc, chi phí y tế, thuốc men,…)

Chi tiêu trung bình tại Pháp khoảng 500- 600 €/ tháng và có thể thay đổi tùy theo thành phố. Những thành phố lớn như Paris, Marseille, Lyon, Toulouse, Montpellier có chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn. Hãy tham khảo sổ tay chi hội (Phần E) để tìm hiểu kỹ hơn về các thành phố.

Chi phí sinh hoạt ước tính hàng tháng sau đây (lưu ý: chưa bao gồm các khoản phí đóng 1 năm (học phí, thẻ ưu đãi,…) cũng như phí vui chơi, shopping và trà sữa cuối tuần):

Chi phí sinh hoạt ước tính hàng tháng

Ngoài ra bạn có thể sẽ phải thanh toán thêm các khoản phí nhà ở như:

    • Các khoản chi đi kèm thuê nhà (50 – 100€): giữ gìn cơ sở vật chất chung, phí xử lí rác thải, v.v… nếu chưa được tính vào tiền thuê nhà (Hors charges)
    • Thuế nhà ở: một loại thuế bắt buộc phải đóng hàng năm với mức thuế thay đổi tùy theo thành phố, khoảng vài trăm euro một năm. Những người thuê phòng của CROUS hoặc phòng trang bị đầy đủ tiện nghi ở nhà « người bản địa » sẽ không phải đóng thuế này. Những người thuê nhà ở chung thì sẽ chỉ đóng thuế nhà ở một lần duy nhất (cho cả quá trình ở đó).

Để quản lý chi tiêu tốt, hãy tập thói quen lập một ngân sách chi phí biến đổi hợp lý sau khi đã thanh toán các khoản chi phí cố định. Đây là một việc làm quan trọng giúp bạn thoát khỏi cảnh viêm màng túi vào mỗi cuối tháng. Khó có thể tính toán được mức chi phí này vì nó tùy thuộc vào điều kiện và mức sống của mỗi người, nhưng chúng ta có thể làm theo vài tips sau đây để có thể sống tiết kiệm hơn tại Pháp.

    • Hãy luôn lên danh sách những vật phẩm cần mua trước khi đến siêu thị: Điều này sẽ giúp bạn luôn biết mình sẽ phải mua gì và dự trù ngân sách cho mỗi lần đi chợ. Ở trong các siêu thị ở Pháp có vô vàn các sản phẩm với giá cả khác nhau phù hợp túi tiền của mọi người.
    • Để ý các thông tin khuyến mãi của các siêu thị: Ở Pháp các siêu thị luôn đưa ra các chương trình khuyến mãi và giảm giá mỗi tháng với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Bạn hãy để ý trên website của siêu thị hoặc tờ rơi quảng cáo để mua được với giá hời.
    • Tận dụng thẻ sinh viên cho các chuyến đi chơi khám phá: Ở Pháp nhiều viện bảo tàng, nhà hát kịch miễn phí vé vào cửa cho các sinh viên dưới 26 tuổi. Hơn nữa một số địa điểm du lịch còn giảm giá cho sinh viên nữa. Các vé xem phim cũng được giảm giá cho sinh viên. Vậy nên hãy luôn mang bên mình chiếc thẻ sinh viên thần thánh.
    • “Warning Săn sale !” Mỗi năm ở Pháp có hai mùa sale lớn vào mùa đông và mùa hè đặc biệt còn bùng nổ hơn nữa vào Black Friday và những ngày cận ngày lễ Giáng Sinh. Vào thời điểm sale các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm và thiết bị công nghệ sẽ tung ra hàng loạt các giảm giá vô cùng hấp dẫn. Hãy để dành tiền trước cho những ngày này nhé có thể chiếc ví của bạn sẽ không thể sống sót qua mùa sale.
    • Săn đồ cũ, tại sao không? Trong suốt cả năm và thông thường vào tầm tháng 9, ở mỗi thành phố đều có các chợ đồ cũ từ nhỏ đến rất lớn. Hãy tìm thông tin theo từ khoá: braderie, brocante, vide-grenier, marché aux puces,… (https://vide-greniers.org) Rất nhiều mặt hàng như quần áo, vật dụng gia đình với chất lượng tốt và giá rẻ đang đợi bạn đấy.
    • Hãy làm số An sinh xã hội ngay khi đến Pháp: Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều cho những chi phí rủi ro phát sinh liên quan đến sức khỏe khi ở Pháp. Bạn sẽ được hoàn tiền khám chữa bệnh. Thường thì chi phí khám chữa bệnh ở các bác sĩ đa khoa là 25€ đôi khi còn thể đắt hơn chút. Số tiền khám chữa bệnh này phần lớn sẽ được hoàn trả bằng bảo hiểm xã hội. Còn nếu đến khám bởi các bác sĩ chuyên khoa thì giá cả sẽ giao động từ 25€-150€ tùy loại bệnh một phần của chi phí sẽ được trả bằng bảo hiểm xã hội, hơn nữa sẽ được chi trả toàn bộ nếu bạn có bảo hiểm bổ sung. Các đơn thuốc sau khi khám chữa bệnh cũng sẽ được chi trả một phần bởi bảo hiểm xã hội và cũng được chi trả gần như toàn bộ nếu bạn có bảo hiểm bổ sung. Không ai mong muốn phải đến bệnh viện trừ những trường hợp cần thiết nhất vì vậy hãy luôn giữ gìn sức khỏe, chơi thể thao đều đặn để nâng cao sức khỏe nhé.

Tham khảo thêm Các cách để tiết kiệm chi tiêu tại Pháp, các trang tặng code giảm giá cho sinh viên link sau:

5. Làm thêm và khai thuế

5.1. Tìm việc làm thêm

a. Các loại hợp đồng

Theo luật lao động của Pháp, sinh viên có thẻ cư trú được phép làm việc trong ngưỡng 60% khoảng thời gian lao động hợp pháp trong 1 năm, tức tối đa 964h/năm. Tất cả các công việc làm thêm cần phải có hợp đồng lao động hợp pháp kèm theo mức lương tối thiểu phải bằng lương SMIC (khoảng 8.6€ net/giờ tính từ tháng 05/2022). Ở đây có 3 loại hợp đồng lao động chính:

    • CDD (Contrat à Durée Déterminée): Được gọi là hợp đồng có thời hạn, với ngày bắt đầu và kết thúc được ghi rõ trên hợp đồng. Thông thường CDD không kèm theo thời gian thử việc, hoặc nếu có thì tùy thuộc vào khoảng thời hạn của hợp đồng.
    • CDI (Contrat à Durée Indéterminée): Được gọi là hợp đồng vô thời hạn, chúng chỉ được chấm dứt khi người lao động chủ động nộp đơn xin thôi việc hoặc bị đuổi việc do gây ra lỗi thật sự nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến công việc. Trong trường hợp người lao động bị buộc thôi việc nhưng không có lý do hợp lý thì sẽ được nhận tiền bồi thường.
    • Interimédiaire: Đây là một loại hợp đồng có cơ chế gần giống với CDD nhưng thay vào đó, người lao động không ký hợp đồng trực tiếp với chủ lao động hay công ty mà sẽ ký với một bên thứ ba được gọi là ETT (Entreprise de Travail Temporaire), sau đó ETT sẽ chịu trách nhiệm gửi người lao
      động đến công tác cho công ty cần nhân lực.

b. Các hình thức tìm việc

c. Một số lưu ý khi tìm việc làm thêm

    • Không nên chấp nhận các việc làm thêm không có hợp đồng rõ ràng, hợp pháp nhằm tránh việc mất quyền lợi của người lao động và quyền được hưởng bảo hiểm lao động.
    • Khuyến khích các bạn nên bắt đầu tìm việc sớm nếu có ý định đi làm thêm vì thông thường, bạn sẽ cần phải đầu tư một khoản thời gian để tìm được một công việc phù hợp cho bản thân.
    • Nên trình bày CV và lettre de motivation của bạn một cách rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn nhưng đủ ý. Những người đã từng có kinh nghiệm đi làm thường sẽ được ưu tiên và đánh giá cao hơn, bởi người tuyển dụng coi trọng sự va chạm của bạn trong cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn đã từng có kinh nghiệm đi làm hay làm việc ở Việt Nam thì đừng ngần ngại đưa vào trong hồ sơ xin việc của bản thân.

d. Một số công việc làm thêm tham khảo

    • Trông trẻ.
    • Lễ tân.
    • Dọn dẹp nhà cửa, văn phòng.
    • Dịch thuật.
    • Gia sư
    • Các công việc ở siêu thị như thu ngân, kiểm kê hàng, etc.
    • Các công việc ở nhà hàng như phụ bếp, giao hàng, chạy bàn, thu ngân, etc.
    • Các công việc thời vụ theo mùa: Hái quả, thu hoạch rau củ, etc.

5.2. Khai thuế

Ở Pháp, việc khai thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi người, bao gồm cả sinh viên nước ngoài có lẫn không có thu nhập. Việc khai thuế sẽ hỗ trợ một phần cho hồ sơ xin quốc tịch cho những bạn có nguyện vọng ở lại Pháp sau này. Đối với sinh viên, có hai loại thuế cần chú ý, bao gồm thuế sinh hoạt (taxe d’habitation) và thuếthu nhập (impôt sur le(s) revenue(s)).

Hướng dẫn cách khai

Toàn bộ thủ tục được thực hiện ở Centre des finances tại nơi bạn cư trú. Các bạn có thể tham khảo mẫu tờ khai:

Trang 1: Điền thông tin cá nhân và địa chỉ hiện tại nơi bạn đang sống tại Pháp.

Trang 2: Điền hoàn cảnh cá nhân. Bạn có thể khoanh vào 1 trong 5 ô ở đầu mục A để nói rõ tình trạng của bản thân: Marié(e)s (Kết hôn), Divorcé(e)/séparé(e) (Ly hôn/ly thân), Pacsé(e)s (quan hệ đối tác), Célibataire (độc thân) và Veuf(ve) (góa). Trong trường hợp bạn sống độc thân nhưng không có con thì bạn hoàn có thể bỏ qua từ sau mục chọn hoàn cảnh cá nhân được nói ở trên cho đến hết mục D.

Trang 3: Ở ô 1AJ của mục 1. Các bạn điền tổng lương (net imposable) trong khoản thời gian làm việc tại Pháp trong khoảng thời gian trước lúc khai. Còn với những bạn chưa có thu nhập thì chỉ cần điền 0 vào là đủ. Ngoài ra, tiền CAF và tiền học bổng không phải khai do mục này chỉ khai các loại tiền có khi trong bảng lương của những bạn có đi làm thêm và thực tập có lương tại Pháp. Các ô còn lại nếu có thì khai rõ số tiền và nộp kèm giấy tờ có liên quan còn nếu không thì điền 0 như ô 1AJ.

Trang 4-5: Nếu bạn thuộc diện được tiếp nhận (hebergé) bởi một người đang cư trú hợp pháp tại Pháp, hãy đưa trang 4 cho họ viết và nộp kèm theo các tài liệu được ghi ở cuối trang. Còn ở trang 5, dành cho những bạn khai lần đầu, tùy vào diện nhà ở của bạn tại Pháp để nộp kèm theo giấy tờ bổ sung được nêu rõ ở mỗi trường hợp.

Trang 6: Nếu bạn có gửi tiền về VN cho gia đình thì điền vào ô 6GU, đối với những bạn có đi làm thêm hay thực tập có lương thì khai tiền bị chiết khấu trong các bảng lương cộng lại trong 1 năm vào ô 8HV. Những ô còn lại bạn có thể điền 0 nếu không có.

Một số điều cần lưu ý

Taxe d’habitation có thể được tính khác nhau tùy vào nơi ở của bạn, sau đây là một số trường hợp :

    • Nếu bạn thuê nhà diện location indépendante: Bạn sẽ phải nộp thuế vào ngày 01/01 hàng năm, áp dụng cho cả sinh viên có học bổng sang học tại Pháp, Tuy nhiên, sở thuế sẽ tính toán các khoản miễn giảm thuế mà bạn có thể được hưởng nếu bạn tự khai.
    • Nếu bạn sống trong nhà diện résidence université được điều hành bởi CROUS hay bất kỳ nơi ở nào dành cho sinh viên được quản lý bởi một tổ chức có điều kiện tài chính và cách thức hoạt động tương tự CROUS : Bạn sẽ không phải nộp loại thuế này.
    • Nếu bạn thuộc diện được tiếp nhận hay bảo lãnh : Bạn sẽ không phải nộp loại thuế này.

Ở trang 1 của mẫu tờ khai, ở mục Contribution à l’audiovisuel public, nếu nhà bạn không có TV hay đã có một người trong nhà nhận khai rồi thì hãy đánh dấu X vào ô 0RA. Nếu không, bạn sẽ bị tính 138€ vào bảng thuế sau này.

Nhằm tránh việc tốn thời gian cho việc tính tổng thu nhập trong năm, các bạn nên tìm bảng lương cuối cùng của năm cần khai ở nơi bạn làm việc theo từ khóa ‘’Net imposable cumulé’’. Để hiểu rõ hơn về các khoản thu nhập được hay không được miễn thuế, các bạn có thể truy cập: etudiant.gouv.fr/fr/impot-sur-le-revenu-le-cas-des-etudiants-1837.

6. Một số điểm thú vị về văn hóa Pháp

Ngoài ẩm thực, sẽ là 1 thiếu sót lớn nếu nói đến văn hóa Pháp mà không nhắc đến nghệ thuật, bảo tàng và di tích lịch sử. Mọi du học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 18 – 25 sẽ được miễn phí vé tham quan hầu hết các bảo tàng ở nước Pháp. Đây không chỉ là dịp để bạn hiểu hơn về lịch sử Pháp mà còn cả về nghệ thuật. Một vài ví dụ bảo tàng mà các bạn nên tham quan như: Bảo tàng Louvre – nơi hội tụ của các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật khác nhau từ thời trung cổ đến thế kỷ XIX, Bảo tàng Orsay – sở hữu các tác phẩm nổi tiếng của nghệ thuật phương Tây thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Bảo tàng Pompidou – trung tâm văn hóa và triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, …

Còn nếu như bạn không ở trong độ tuổi này thì cũng đừng buồn, vì vẫn sẽ có những ngày lễ hằng năm giúp mọi người được tiếp cận gần hơn đến văn hóa, như là:

    • « Journée de Patrimoine » hay Ngày hội di sản do Bộ Văn hóa Pháp tạo ra vào năm 1984, thường được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần ở tuần lễ thứ 3 của tháng 9. Năm nay nó được tổ chức vào ngày 17-18/09. Trong 2 ngày này, mọi người được khám phá nhiều di tích và các địa điểm thường không được mở cửa cho công chúng; hoặc các bảo tàng, viện nghệ thuật mở cửa với giá vé giảm hoặc miễn phí.
    • « Fête de la Musique » hay Ngày hội Âm nhạc được tổ chức hằng năm vào ngày 21/06. Vào ngày này, các nhạc sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp được khuyến khích biểu diễn trên đường phố, dưới khẩu hiệu « Tạo ra âm nhạc » – « Faites de la Musique », một từ đồng âm của Fête de la Musique. Nhiều buổi hòa nhạc miễn phí được tổ chức, giúp công chúng có thể tiếp cận mọi thể loại âm nhạc và tất cả các nghệ sĩ biểu diễn đều đóng góp thời gian của họ một cách miễn phí.
    • « Nuit des Musées » hay Đêm hội Bảo tàng đánh dấu lần thứ 18 được tổ chức vào ngày 14/05/2022. Vào đêm này, hầu hết mọi bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí trên khắp nước Pháp từ đêm xuống (thường là 18 giờ) đến nửa đêm. Đây là dịp để tham quan bảo tàng với nhiều chương trình, triển lãm đặc biệt dành riêng cho đêm này.

Lưu ý: Hầu hết các bảo tàng đều yêu cầu đặt vé trước (miễn phí) trên trang web của chính bảo tàng để đảm bảo số lượng khách vào không quá đông, tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tham quan. Vậy nên đừng chần chừ mà tham khảo sẵn những bảo tàng bạn ưa thích trước để dễ dàng đặt vé nhanh chóng nhất.

Ngoài ra, vào mỗi chủ nhật đầu tiên hằng tháng, các bảo tàng đều mở cửa tham quan miễn phí cho tất cả mọi người. Nếu có dịp cuối tuần nào đó bạn không biết làm gì và đi đâu, đừng ngần ngại ghé vào 1 bảo tàng bất kỳ để làm đầy thêm vốn hiểu biết của chính mình nhé!