CÁC VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI ĐẾN PHÁP
Bạn có thể tới Pháp để trải nghiệm một khóa học ngắn ngày (dưới 90 ngày) hay học một khóa học dài hạn để đạt một bằng cấp của Pháp.
1. Du học ngắn hạn
Các trường của Pháp có hơn hai trăm khóa học ngắn hạn trong suốt năm, nhưng chủ yếu vào mùa hè, bao gồm : các khóa học tiếng, các khóa học chuyên ngành về rất nhiều ngành nghề như : ẩm thực, thời trang, nghệ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn hóa, marketing, truyền thông hay tin học…
Tìm một khóa ngắn hạn phù hợp: http://ecolesdete.campusfrance.org/#/main
Để du học ngắn hạn, hãy:
-
- Liên hệ trực tiếp các trường để đăng ký khóa học
- Xin visa du lịch tại: https://france-visas.gouv.fr/web/france-visas/
Sau đó đặt hẹn nộp hồ sơ giấy tại các trung tâm TLS Contact, bộ phận trung gian của Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán ở TP.Hồ Chí Minh, để đặt lịch hẹn nộp hồ sơ và thu thập dữ liệu sinh trắc học.
2. Du học dài hạn
Bạn có thể lựa chọn:
-
- Học một chương trình cấp bằng
- Học dự bị tiếng
- Chương trình trao đổi…
Để thực hiện một kế hoạch du học dài hạn tức là từ 90 ngày trở lên, bạn cần:
-
- Thực hiện hồ sơ trực tuyến Etudes en France
- Thi chứng chỉ tiếng Pháp ( Tối thiểu A2-B2 tùy chương trình học)
- Phỏng vấn với văn phòng Campus France tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh
- Dự tuyển bằng ứng dụng Etudes en France hoặc trực tiếp với các trường
- Nộp hồ sơ xin visa sinh viên VLS-TS
Campus France Vietnam là Văn phòng phụ trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đồng hành cùng mọi sinh viên Việt Nam để hỗ trợ và tư vấn về du học. Hãy liên hệ văn phòng gần nhất với bạn tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh.
Quy trình Études en France cần được thực hiện trước khi xin cấp thị thực sinh viên VLS-TS. Bạn phải nộp hồ sơ xin thị thực ít nhất 4 tuần trước khi khởi hành. Trong hồ sơ xin cấp thị thực, ngoài các tài liệu chứng minh chỗ ở, chứng minh tài chính, bạn cần đính kèm: Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời (Accord préalable d’inscription) được tải từ hồ sơ Etudes en France, sau khi đã hoàn thành các thủ tục với Campus France. Chỉ cơ quan lãnh sự mới được quyền quyết định cấp thị thực.
CHUẨN BỊ CHO HÀNH TRÌNH ĐẾN PHÁP
1. Tìm nhà ở tại Pháp
Tìm nhà ở một trong các điều kiện không thể thiếu để xin visa du học. Lý tưởng nhất là bạn tìm được một chỗ ở dài hạn trước khi sang Pháp, tuy nhiên việc đó không hề dễ dàng vì bạn cần phải xem kĩ nhà trước khi thuê, cần có bảo lãnh để thuê được nhà, và rất nhiều thủ tục khác.
Hãy xem các thông tin về nhà ở: https://www.vietnam.campusfrance.org/vi/tim-nha-o
Nhưng nếu bạn không tìm được một chỗ ở dài hạn, hãy tìm cho mình một chỗ ở tạm thời để nộp hồ sơ thị thực và ở trong những ngày đầu tới Pháp trong khi tìm được một chỗ ở phù hợp.
Thông tin chi tiết về tìm nhà ở tại Pháp: Xem phần C. / Cuộc sống tại Pháp / 1. Nhà ở
2. Test Covid (Cập nhật đến ngày 15/05/2022)
YÊU CẦU XÉT NGHIỆM VÀ TIÊM VẮC-XIN
Hành khách nhập cảnh Pháp chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện sau:
-
- Tiêm đủ vaccine
- Khỏi bệnh có chứng nhận từ 11 ngày đến 6 tháng
- Có test PCR 72 h hoặc test Antigen 48h
Khách phải hoàn thành Passenger Locator Form .
QUY ĐỊNH CÁCH LY VÀ KHAI BÁO SỨC KHỎE
Hành khách chưa tiêm đủ liều vắc-xin thực hiện tự cách ly trong 7 ngày và khai báo thông tin theo form « International Travel Certificate ».
3. Chuẩn bị lên đường
3.1. Mua vé máy bay
Hãng hàng không quốc gia Vietnam (Vietnam Airlines) có đường bay thẳng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sang Paris (Pháp). Nằm trong liên minh hàng không SkyTeam và liên kết với hãng đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), nên sinh viên có thể mua từ Việt Nam vé cho chặng chuyển tiếp của AirFrance hoặc SNCF đến khắp các địa điểm trên toàn nước Pháp. Hằng năm, Vietnam Airlines triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho sinh viên du học Pháp.
Một vài website giúp các bạn so sánh giá vé và săn vé giá rẻ: StudentUniverse, SkyScanner, Cheapflights,… Ngoài ra có thể mua vé trung chuyển, nhưng lưu ý về thời gian và giấy tờ cần thiết ở các nước trung chuyển.
3.2. Hành lý mang theo (Check list)
GIẤY TỜ
Nên mang các giấy tờ sau (bản photo tiếng Việt và bản dịch tiếng Pháp đã công chứng):
-
- Hộ chiếu
- Giấy khai sinh
- Bằng tốt nghiệp cấp 3 + Học bạ cấp 3 (đối với sinh viên sang học Đại học)
- Bằng tốt nghiệp song ngữ + học bạ song ngữ (nếu là học sinh song ngữ)
- Các chứng chỉ bằng cấp ngoại ngữ
- Giấy trúng tuyển đại học (nếu có)
- Bằng đại học (nếu đã tốt nghiệp)
- Giấy chứng nhận học bổng (nếu có)
- Bằng lái xe (nên chuyển sang bằng quốc tế)
- Thẻ Master/Visa (nếu có)
- Ảnh thẻ 3.5*4.5
Tất cả các giấy tờ được dịch sang tiếng Pháp nên là bản dịch của Viện Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là giấy khai sinh (để thuận tiện hơn trong quá trình làm thẻ cư trú hay còn gọi là “titre de séjour”).
Các bạn nên scan tất cả bản gốc, bản dịch công chứng của các loại giấy tờ và lưu vào 1 chiếc USB, thẻ nhớ hoặc lưu trên mạng để khi cần có thể in ra luôn. Không mang theo bản gốc để đề phòng thất lạc và không cần mang theo CMND/CCCD.
ĐỒ DÙNG
Pháp không thiếu gì cả nhưng thời gian đầu, còn bỡ ngỡ và chưa quen với sự chênh lệch về giá cả, nên các bạn vẫn nên chuẩn bị một vài thứ thiết yếu:
-
- Các bạn nên mang một ít thuốc (Thuốc cảm, giảm đau hạ sốt, đau đầu, viêm họng, tiêu hóa, dầu, cao dán), đề phòng thay đổi thời tiết, và sau 1 chuyến đi dài dễ bị cảm hay đau bụng
- Kính cận: chuẩn bị 2-3 cặp kính phòng trường hợp mất vì lấy hẹn bác sĩ hoặc làm lại kính mất rất nhiều thời gian
- Điện thoại di động: các bạn nên mang theo điện thoại nếu muốn liên lạc ngay với gia đình. Có thể mua thẻ sim ngay khi tới sân bay Pháp. Loại thẻ sim của Lycamobile gọi về Việt Nam rẻ hơn so với các nhà mạng khác (0.05€/phút)
- Áo khoác mỏng : sử dụng khi mới sang vì tháng 9 bên Pháp thời tiết chưa lạnh
- Áo ấm : ưu tiên các loại áo phao, vừa nhẹ vừa ấm, dễ giặt, mà đi gió, đi mưa, đi tuyết cũng tiện
- Áo sơ mi + quần âu + áo veste + đôi giày da : bạn nên mang theo 1 bộ, sử dụng cho dịp quan trọng hoặc để đi phỏng vấn (để kiếm được 1 bộ veste vừa ý sẽ mất thời gian) đối với con trai. Còn đối với con gái thì có thể mang thêm bộ áo dài mặc cho các dịp đặc biệt.
- Khăn, mũ, găng, tất dày, tất quần
- Giày thể thao, đế bệt, dép lê : các bạn nên chuẩn bị ít nhất 1-2 đôi giày thể thao/ giày đế bệt vì giày VN vừa rẻ, vừa đẹp, vừa tốt (vì bên Pháp sử dụng phương tiện công cộng là chính và phải đi bộ nhiều)
- Máy tính Casio : nên mang máy dùng quen
- Bút viết : 10 cái (cũng không chiếm nhiều diện tích)
- Túi giặt : bảo vệ quần áo và thuận tiện cho việc giặt đồ khi phải dùng máy giặt chung
-
Ổ cắm điện : nên mang một ổ cắm LIOA nhiều chân. Khi mua các đồ điện tử, các bạn nên chú ý đầu ổ cắm. Các ổ điện bên Pháp đều là ổ tròn.
ĐỒ ĂN
Bên này đa số cái gì cũng có, không cần thiết mua nhiều.
-
- Mì gói : đề phòng trong trường hợp chưa kịp đi chợ ngay hoặc bạn chưa quen nhưng chỉ nên mang vài gói
- Một số gia vị và đồ khô (nên được hút chân không): hạt nêm, đồ tẩm ướp, mộc nhĩ, nấm hương,…
Có thể mang đi thêm nếu còn cân:
-
- Nồi cơm điện: Ở các siêu thị, chợ Châu Á có bán nồi cơm điện, nhưng nấu không ngon bằng
- Bàn là nhỏ/ máy sấy nhỏ
- Máy vi tính : máy tính bên Pháp thường dùng bàn phím AZERTY (khác với Việt Nam – bàn phím QWERTY), thế nên mua ở Pháp thì tiện hơn nhưng bạn có thể dùng máy tính từ Việt Nam đem sang và mua thêm miếng dán bàn phím AZERTY.
- Bình đun siêu tốc (những ngày đầu chưa có nồi, sẽ tiện ăn mì gói, đặc biệt cho các bạn ở kí túc xá)
- Bát đũa, xoong chảo : chỉ nên mang một vài chiếc để dùng trong những ngày đầu
- Sách chuyên ngành : hầu hết thầy cô đều phát giáo trình cho sinh viên, nếu cần tham khảo ngoài thì thầy cô cho tên sách và các bạn vào thư viện mượn hoặc lên mạng tham khảo. Hơn nữa, chương trình học không giống nhau nên bạn nên cân nhắc kĩ việc mang theo tài liệu.
Không nên mang giấy/vở theo, vì sẽ tốn cân hành lí và không quá cần thiết. Sinh viên Pháp thường dùng giấy kẻ cỡ A4 đục lỗ, giá thành rất rẻ và dễ kiếm ở hầu hết các chuỗi siêu thị tại Pháp. Không nên mang đồ tươi và nặng mùi.
4. Di chuyển từ sân bay về nơi ở
4.1. Sân bay Charles de Gaulle
Sân bay Charles de Gaulle là sân bay đứng đứng đầu tại châu Âu về số chuyến bay và thứ hai về lượng hành khách chuyên chở. Đây là sân bay với:
-
- Ba nhà ga (trạm/ Terminal) hành khách
- Một ga tàu cao tốc (tàu TGV)
4.2. Các trạm xuống (terminal) ở Charles de Gaulle
Sân bay có 3 Terminal chính:
-
- Charles de Gaulle 1 với Terminal 1 & Terminal 3
- Charles de Gaulle 2 với Terminal 2 A, B, C, D, E, F, G
Đối với chuyến bay từ VN đến Pháp Vietnam Airlines (Terminal 2E) và Air France (Terminal 2E). Cũng tại liên kết này, bạn có thể tra cứu các trạm xuống theo tên của hãng hàng không bạn sử dụng. Ngoài ra, cùng với số hiệu chuyến bay và ngày bay, bạn có thể tra giờ bay và trạm xuống trực tiếp từ trang web: www.aeroportsdeparis.fr/. Bạn có thể xem bản đồ các Terminal.
4.3. Di chuyển giữa các trạm trong sân bay Charles de Gaulle
Để đáp ứng nhu cầu của hành khách, sân bay Charles de Gaulle đã đưa vào sử dụng nhiều phương tiện hỗ trợ di chuyển giữa các trạm:
Métro CDGVAL
Hình ảnh dưới đây là những trạm mà tàu CDGVAL phục vụ, cùng những điểm giao nhau với tàu RER và tàu cao tốc (TGV).
Bạn hoàn toàn có thể yên tâm về thời gian phục vụ của Métro ngắn CDGVAL. Mỗi chuyến tàu cách nhaukhoảng 4 phút, và phục vụ từ 4h sáng đến 1h đêm. Trong thời gian CDGVAL không hoạt động thì sẽ có một xe bus riêng để đảm bảo việc chuyên chở hành khách trong sân bay. Để tìm đến tàu CDGVAL, bạn đi theo bảng chỉ dẫn sau:
Bus ngắn phục vụ tại Terminal 2 (Navette N1 và Navette N2)
-
- Bus N1: phục vụ các điểm dừng 2A, 2C, 2D, 2E, 2F và ga TGV/ ga RER/ tàu CDGVAL Bus
- Bus N2 : phục vụ điểm dừng 2G và 2F
Đi bộ theo biển chỉ dẫn
Bạn hoàn toàn có thể đi bộ nếu các điểm đến gần nhau, với các biển chỉ dẫn.
4.4. Di chuyển ngoài sân bay Charles de Gaulle
Tuỳ vào điểm đến mà sân bay Charles de Gaulle đã đưa vào phục vụ rất nhiều dịch vụ và phương tiện di chuyển cho hành khách.
Di chuyển từ sân bay Charles de Gaulle vào Paris
Từ sân bay Charles de Gaulle bạn có rất nhiều sự lựa chọn để di chuyển vào Paris :
a. Bus
Cars Air France với 3 hành trình chính (3 phút sẽ có 1 chuyến):
Roissybus : CDG ⬄ Opéra: Cứ 15 đến 20 phút sẽ có 1 chuyến Roissybus, hành trình dài khoảng 1h và chạy thẳng vào Paris và không dừng. Điểm đến là Opéra. Giá vé : 13,70 €.
Bus RATP
-
- Bus 350 : CDG ⬄Paris-Porte de la Chapelle ⬄ Paris-Gare de l’Est, hành trình dài khoảng 60 phút
- Bus 351 : CDG ⬄Paris-Porte de Bagnolet ⬄ Paris-Nation, hành trình dài khoảng 80 phút
- Giá vé: từ 1 đến 3 vé « ticket T+ » tuỳ vào từng hành trình. Ví dụ từ Paris ⬄ CDG: 3 « ticket T+ »
b. Taxi
Hành trình Sân bay CDG – Paris kéo dài khoảng 35 phút đến 1h tuỳ thuộc vào thời điểm trong ngày. Giá taxi cho hành trình vào Paris rơi vào khoảng 50 đến 60 € (ban ngày). Giá sẽ tăng thêm khoảng 15% cho dịch vụ ban đêm và chủ nhật, ngày lễ.
Bạn có thể liên hệ trước với dịch vụ taxi hợp tác với sân bay để có giá cả phải chăng hơn (từ 26 €): hãng WeCab của TAXIS G7 theo số điện thoại: 01 41 27 66 77.
Lưu ý : Paris rất hay tắc đường và khi tắc đường thì đồng hồ tính tiền vẫn chạy.
c. Tàu RER
RER (Réseau Express Régional d’Île de France) là hệ thống tàu công cộng phục vụ di chuyển tại vùng Ile de France. Nếu bạn tới Paris, RER chính là phương tiện hữu dụng nhất cho việc di chuyển từ sân bay CDG vào trung tâm Paris.
Tại sân bay Charles de Gaulle, tàu RER B là phương tiện được sử dụng nhiều nhất để tới các khu vực ngoại ô cũng như trung tâm Paris. Hành trình từ sân bay tới Gare du Nord kéo dài khoảng 30 phút. Giá vé từ sân bay CDG ⬄ Paris: 11,40 €.
Dưới đây là những bến tàu trung tâm tại Paris có RER đi qua.
Cụ thể hơn, dưới đây là sơ đồ của RER B:
Di chuyển từ sân bay Charles de Gaulle đi các tỉnh
a. Tàu cao tốc (TGV)
Hệ thống đường Sắt Pháp có nhiều tuyến tàu cao tốc TGV kết nối trực tiếp từ sân bay Charles de Gaulle đến nhiều tỉnh & thành phố khác bao gồm: Aix-en-Provence, Avignon, Bordeaux, Lille, Lyon, Marseille, Montpellier, Nantes, Nîmes, Rennes, Toulouse và Valence,…
Gare TGV nằm ở sân bay Charles de Gaulle 2, ở điểm giao giữa Terminal 2C/2E với 2D/2F. Bạn có thể mua vé trực tiếp tại gare TGV hoặc mua qua mạng tại trang chủ: https://www.sncf-connect.com/
Lưu ý : Đặt vé càng sớm bạn sẽ càng có vé rẻ. Ngoài ra, trong Guide này, bạn cũng sẽ tìm thấy dưới đây những chi tiết cụ thể hơn về hướng dẫn sử dụng tàu TGV để di chuyển giữa các vùng tại Pháp.
b. Máy bay
Từ sân bay Charles de Gaulle bạn có thể nối chuyến máy bay nội địa để đi về các tỉnh của Pháp hoặc di chuyển qua sân bay Orly (tham khảo thêm phần di chuyển từ Charle de Gaulle vào Paris) rồi nối chuyến ở sân bay Orly.
Lưu ý : Nếu bạn chọn máy bay để di chuyển về các tỉnh của Pháp thì bạn nên mua vé máy bay theo hình thức nối chặng (nghĩa là mua cùng lúc vé từ Việt Nam sang Paris và từ Paris về tỉnh) để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro. Khi mua vé nối chặng thường người ta sẽ canh sao cho bạn có đủ thời gian để di chuyển từ ga quốc tế sang ga nội địa và làm thủ tục check-in. Với vé nối chặng quốc tế và nội địa, trong trường hợp chuyến quốc tế đến trễ, bạn không kịp đi chuyến nội địa thì hoặc chuyến bay nội địa sẽ đợi bạn hoặc hãng hàng không sẽ tự động sắp xếp để bạn đi chuyến tiếp theo mà bạn không phải mất thêm phí gì cả.
c. Bus
Các bạn có thể di chuyển trực tiếp về các tỉnh của nước Pháp từ sân bay CDG bằng xe buýt đường dài. Hình thức di chuyển này khá rẻ nhưng lại tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn cần chú ý về điểm xuất phát khi đặt vé để tránh nhầm lẫn với bến xe buýt ở trung tâm Paris. Bạn có thể tham khảo một số hãng xe dưới đây:
4.5. Các ga lớn ở Paris
Đối với các bạn không mua vé tàu TGV thẳng từ sân bay Charles de Gaulle hoặc máy bay mà đi từ một ga ở bên trong Paris, phần dưới đây sẽ giới thiệu sơ lược cho các bạn về một số ga tàu tại Paris, và cách tới cách để đi đến các thành phố.
Để tìm được đường đi ngắn nhất từ CDG đến địa điểm mà bạn cần tới ở trong Paris, bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm lộ trình đi lại của RATP: https://www.ratp.fr/
Lưu ý : trang web này chỉ đưa ra kết quả tìm kiếm cho những hành trình trong Paris và các vùng lân cận. Ngoài ra, bạn cần phân biệt :
-
- Gare routière : ga của Bus, Navette (phương tiện đường bộ)
- Gare SNCF : ga đường sắt
Tại Paris có 7 ga đường sắt, phục vụ cho các chuyến tàu đi về 4 phía của nước Pháp:
Gare Saint-Lazare Gare de Bercy
-
- Tàu về vùng Normandie
- Tàu về ngoại ô phía Tây của Paris (ligne J và L của Transilien)
- Cách tới : RER E ; Métro 3, 9, 12, 13, 14
Gare de l’Est Gare de Paris-Austerlitz
-
- TGV về các thành phố phía Đông nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Luxembourg
- Tàu đêm tới Munich, Innsbruck, Hamburg và Berlin
- Trong tương lai sẽ là điểm cuối của tàu CDG Express đến sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle
- Cách tới: Métro 4, 5 , 7
Gare de Paris-Montparnasse Gare du Nord
-
- Bến đỗ của TGV Atlantique, đi về phía Tây và Tây Nam nước Pháp
- TER đến vùng Basse – Normandie
- TER về miền Trung (le Centre) (Le Mans, Chartres, …)
- Tàu ngoại ô về phía Tây Paris Transilien N
- Cách tới: Métro 4, 6, 12, 13
Gare de Bercy
-
- Tàu Intercités về vùng Auvergne
- TER (Transport Express Régional: Dịch vụ đường sắt phục vụ ngoại ô Paris) về Bourgogne
- Cách tới : Métro 6 và Métro 14
Gare de Paris-Austerlitz
-
- Phục vụ tàu về miền Trung nước Pháp (Centre De la France), Toulouse và les Pyrénées
- Tất cả các tàu đêm Intercités về miền Nam
- Tàu Intercités về Orléans và Tours
- Cách tới: RER C, Métro 5 và Métro 10
Gare du Nord
-
- TGV tới vùng Franche-Comté và miền Nam của Alsace
- Tàu về miền Đông Nam nước Pháp, vùng Rhône-Alpes và Méditerranée
- Tàu ngoại ô về vùng Đông Nam của Paris (vd: Fontainebleau, Montargis, …): điểm dừng của ligne R của tàu Transilien (tàu chuyên phục vụ các vùng ngoại ô Paris)
- Cách tới: RER B, D, H, K; Métro 4, 5.
Gare de Lyon
-
- TGV tới vùng Franche-Comté và miền Nam của Alsace
- Tàu về miền Đông Nam nước Pháp, vùng Rhône-Alpes và Méditerranée
- Tàu ngoại ô về vùng Đông Nam của Paris (vd: Fontainebleau, Montargis, …): điểm dừng của ligne R của tàu Transilien (tàu chuyên phục vụ các vùng ngoại ô Paris)
- Cách tới : RER A, RER D, RER R; Métro 1, 14
Nếu bạn dưới 27 tuổi thì bạn có thể mua vé tàu và thẻ giảm giá.
4.6. Tới Pháp an toàn: Lưu ý về thất lạc hành lý và nạn trộm cắp
Nạn trộm cắp
Tình hình trộm cắp, lừa đảo và nạn mất đồ ở Pháp nói chung khá phức tạp, vì vậy các bạn cần nâng cao ý thức cảnh giác, bảo quản đồ cẩn thận (tuyệt đối không để đồ ra khỏi tầm mắt) và thường xuyên nhìn xung quanh (đặc biệt đối với các bạn di chuyển từ sân bay về tỉnh). Trong một số trường hợp may mắn, khi đã bị mất đồ, vài bạn vẫn tìm lại được đồ vì bọn trộm không mở được khóa hoặc phát hiện kịp thời nên việc khóa giữ đồ và luôn luôn cảnh giác là vô cùng quan trọng.
Mất đồ
Bạn bị mất đồ bên trong máy bay ? Bạn cần liên lạc trực tiếp với hãng hàng không của bạn để sớm thông báo về việc này. Bạn có thể tìm thấy trong liên kết này số điện thoại liên hệ của các hãng hàng không có chuyến bay tại Charles de Gaulle:
-
- Vietnam Airlines: 01 44 55 39 90 (gọi từ Pháp)
- Air France: 0825 775 775 (gọi từ Pháp)
Contact Perte de Bagages :
-
- Phòng Đồ thất lạc của sân bay tại Terminal 1 và 3: giữa sảnh 5 và 6 của Terminal 1, “Niveau CDGVAL”
- Terminal 2: Khu vực « Espace Services » (nằm giữa sảnh 2A/2C và 2B/2D)
Bạn có thể tham khảo trang web sau để có thêm thông tin về tìm lại đồ thất lạc tại các sân bay ở Paris tại đây.
Hành lý ký gửi bị thất lạc ?
Hành lý của bạn, nhìn chung, sẽ không bị mất mà chỉ bị thất lạc trong một chuyến bay khác hoặc bị chuyển tới chậm hơn. Thường thì các hãng hàng không đảm bảo sẽ chuyển hành lý thất lạc tới khách khoảng 24h sau khi chuyến bay đáp xuống. Tuy nhiên, nếu khi xuống sân bay và không tìm thấy hành lý ký gửi của mình, bạn cần ngay lập tức liên hệ với dịch vụ hành lý của hãng hàng không của bạn tại sân bay. Sau đó, một báo cáo thất lạc hành lý sẽ được lập, bạn nên cố gắng cung cấp nhiều thông tin nhất có thể về hành lý thất lạc.
Trong trường hợp hành lý của bạn được tìm thấy, đa số các hãng hàng không sẽ chuyển tới cho bạn miễn phí bằng đường bưu điện.